Những thầy cô đầu tiên của Trường Hy Vọng

 

Lứa học sinh đầu tiên về với Trường Hy Vọng từ sau Tết Nguyên đán, nhưng trước đó vài tháng, các thầy cô của dự án đã đi khắp Bắc - Trung - Nam, dành hàng giờ để thuyết phục người thân của trẻ cho con em ra Đà Nẵng nhập học.
 

Ngày các em về trường, các thầy cô lại lo chỗ ăn, chốn ngủ. Khu nội trú được sắp xếp thành tiểu đội và trung đội, tách riêng nam, nữ theo từng tầng, cứ ba đến bốn em ở nhiều độ tuổi sống chung một phòng để có thể hỗ trợ nhau. Mỗi tối đều có các thầy cô trực ở từng tầng để nhắc nhở các em ngủ đúng giờ, không làm phiền các bạn khác...
 

-9643-1668650702.jpg

 

Cô Thảo dạy kèm tiếng Anh cho một học sinh Trường Hy Vọng.


Là trưởng phòng hành chính của dự án từ những ngày đầu, cô Vũ Thị Bích Thảo, 50 tuổi, nói công việc ở Trường Hy Vọng không chỉ là ngày ngày kiểm tra email, làm các thủ tục giấy tờ mà là hậu cần, lo cho lũ trẻ về ăn, mặc, chỗ ngủ, thậm chí là tắm rửa cho các em nhỏ và thậm chí là "ngồi nói đủ mọi thứ chuyện" cho các em dần quên đi quá khứ buồn.
 

Một ngày của cô Thảo bắt đầu bằng việc dậy từ 5h sáng, đi chợ mua thức ăn cả ngày cho chồng con vì tối muộn mới về, rồi chạy xe máy hơn chục cây số từ quận Hải Châu sang khu nội trú của trường ở quận Ngũ Hành Sơn. Điểm đến đầu tiên của cô là vào khu nhà ăn, kiểm tra thực phẩm nhập về, thực đơn cho lũ trẻ.
 

Có em đi học bị mất sách, em thì bị thất lạc đồ cá nhân, em khác cảm thấy "cơm hơi dở" đều nhờ cô Thảo giúp. Nhiều em nhỏ 6 tuổi thèm cảm giác được mẹ tắm rửa như trước kia, nên thường các cô phải đóng vai người mẹ, dỗ dành mỗi khi có em khóc vì nhớ cha, nhớ mẹ.
 

Chiều đến, cô Thảo đứng đợi lũ trẻ đi học về và "giây phút hạnh phúc nhất là được ôm các cháu vào lòng, nghe chúng tíu tít kể chuyện hôm nay được điểm cao, gặp được người bạn mới".
 

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ nên cô Thảo tình nguyện dạy thêm cho những em yếu môn Tiếng Anh sau giờ học chính.
 

-6755-1668650702.jpg
 

 

Chuyển việc từ một công ty phần mềm sang làm hành chính nơi nuôi dạy trẻ, cô Thảo tâm sự, đã mường tượng ra trước công việc khi nói chuyện với giám đốc dự án Trường Hy Vọng Hoàng Quốc Quyền. Nhưng tuần đầu tiếp xúc với lũ trẻ, cô lo lắng, không biết các con có vượt qua được không.
 

"Các em đến với trường với nhiều gia cảnh khác nhau. Có em nghiện game, em khác dù lớn vẫn không biết cài nút áo vì trước đây được bố mẹ làm thay, em khác thì cứ đến giờ đi học lại kêu buồn ngủ, em thì tự ti học yếu và rụt rè không muốn đến lớp. Nhưng rất mừng là sau một thời gian các em đều tiến bộ", cô Thảo nói.
 

Trong số 20 giáo viên cả khối hành chính và quản nhiệm chỉ có bốn người đã lập gia đình. Cô Thảo cho biết, mình có kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp trong việc nuôi con nên tìm những nhà cung cấp suất ăn tốt nhất; mỗi khi có đoàn từ thiện đến, cô lại chia sẻ để có những vật dụng cần thiết nhất cho lũ trẻ.

Đến với Trường Hy Vọng gần 3 tháng, cô giáo trẻ Lữ Thị Thùy Linh, 24 tuổi, đã trở thành người chị, người bạn thân thiết với các em nhỏ trong vai trò quản nhiệm một trung đội nữ từ lớp 1 đến lớp 4. "Lần đầu tiên các cháu không quen mình, chưa hiểu và chưa thân thuộc. Nhưng mình cứ mở trái tim ra với nhau. Cô yêu các bạn và dần dần cô trò gần gũi nhau", Linh nói.
 

Linh quê huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Cô gái người dân tộc Thái từng có 7 năm sống nội trú, xa nhà từ lớp 6 để theo đuổi ước mơ làm cô giáo như mẹ và thoát cảnh con gái đôi mươi đã hai, ba mặt con. Tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non Đại học Vinh, Linh đọc được tin về Trường Hy Vọng rồi nộp hồ sơ ứng tuyển.
 

Cô đến trường đúng dịp lứa học sinh thứ hai nhập học đầu tháng 8 và dịp Tết Trung thu. "Cảm thấy các con như em mình ở nhà nên em muốn vào làm việc", Linh kể. Quyết định nghỉ dạy tại trường mầm non ở TP Vinh để chuyển vào thành phố cách nhà đến hơn 600 cây số là lần đầu tiên Linh sống xa quê nhà.
 

Buổi sáng, Linh cùng các thầy cô quản nhiệm khu nội trú dậy sớm để 5h30 đánh kẻng đánh thức các học sinh. Các em sau đó tập hợp dưới sân để tập thể dục bằng việc khởi động và chạy hai đến năm vòng quanh khu mình sống, ra vườn tưới rau, lên phòng tắm rửa, ăn sáng. 6h20, các trung đội lại tập hợp để thầy cô điểm danh trước khi đi học tại hệ thống FPT School.
 

Tranh thủ lúc học sinh đến trường, các thầy cô lại đi kiểm tra từng phòng, dọn dẹp, tắt điện nếu các con quên. 16h30 các em đi học về, các thầy cô theo dõi lịch nhóm nào đi làm rau thì chia lịch để ra vườn; quán xuyến các nhóm khác chơi thể thao, trò chơi dân gian, học võ hay đọc sách. Linh thường cùng các em hát, múa. 18h học sinh tắm rửa và nửa giờ sau ăn cơm tối.
 

-4571-1668650702.jpg


Niềm vui của các thầy cô nội trú Trường Hy Vọng là những đứa trẻ đi học về chạy ùa vào lòng để cảm nhận tình yêu thương. Ảnh: Nguyễn Đông
 

Khi các em lên phòng, giáo viên quản nhiệm lại phân công nhau dạy kèm vì nhiều em bị hổng kiến thức sau thời gian dài học online và trải qua biến cố gia đình.
 

"Các em nhỏ tập viết, tập đọc, làm toán hay gọi cô Linh", Linh kể và cho biết buổi tối là lúc các thầy cô bận rộn nhất khi vừa làm gia sư, vừa giữ nề nếp cho khu nội trú. Mỗi tầng đều bố trí phòng để các thầy cô có ca trực ngủ lại. Thầy ngủ ở khu nam, cô ngủ ở khu nữ.
 

Mỗi tuần, thầy cô sẽ được nghỉ một ngày. Linh chia sẻ, dù công việc vất vả hơn so với dạy mầm non, nhưng cô cảm giác mình dần trưởng thành hơn khi chăm lo cho những đứa trẻ chịu mất mát quá lớn sau đại dịch Covid-19. "Có lúc trống vắng vì nhớ cha mẹ, em càng thông cảm với các học sinh của mình hơn", Linh nói.
 

-7852-1668650702.jpg

 

Trước khi đến với Trường Hy Vọng 8 tháng trước, thầy Thân Thiên Thanh, 25 tuổi, là bộ đội nghĩa vụ tại Sư đoàn Phòng không 375, đóng quân tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Nhờ quen với lối sống tập thể trong quân đội, Thanh không bị sốc khi quản nhiệm những nam sinh ở nội trú. Các kỹ năng gấp chăn màn và bài thể dục, ăn ngủ đúng giờ trong quân đội được Thanh ứng dụng với học sinh của mình.
 

"Cuộc sống ở đây khác trong quân ngũ, vì bộ đội đều là những thanh niên trên 18 tuổi, còn học sinh Trường Hy Vọng nhiều độ tuổi khác nhau, mình áp dụng kỷ luật thì dễ nhưng phải có cách ứng xử phù hợp để các em dần trưởng thành", Thanh nói.
 

Các em nhỏ có 90 phút sử dụng điện thoại vào ngày cuối tuần nhưng thầy linh động nếu em nào hoàn thành tốt các bài tập trong buổi sáng sẽ được dùng thêm một tiếng.
 

"Công việc ở đây rất vui, giống như mong muốn ban đầu của em là được chia sẻ cuộc sống với các em kém may mắn. Tôi muốn tạo năng lượng tích cực để các em biết sống yêu thương nhau", Thanh nói.
 

Người thầy với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng luôn là địa chỉ để các nam sinh có thể tâm sự những câu chuyện về cuộc sống khi mà người thân đã đặt niềm tin và gửi gắm các em vào trường.
 

Hiệu trưởng Trường Hy Vọng Lê Thị Châu nói, dù các thầy cô đến với trường với nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ hành chính đến tuyển sinh, quản nhiệm nội trú, không cầm phấn, cầm bút đứng trên bục giảng nhưng lại là những giáo viên thực thụ khi chăm sóc, lo chu đáo việc ăn ở, sinh hoạt; lên các kế hoạch, chương trình trải nghiệm ngoại khóa để học sinh hoàn thiện kỹ năng và ngày một vững vàng hơn.
 

"Dạy các con làm người mới thực sự quan trọng. Các em ở Trường Hy Vọng không chỉ cần chữ, mà còn cần tình thương và hơi ấm gia đình. Các thầy cô ở đây đang nhẫn nại, nỗ lực mỗi ngày để đồng hành trong vai trò làm bà, làm cha mẹ, anh chị và cả bạn bè để sẻ chia, bù đắp cho các em", cô Châu nói.

Theo VNExpress